Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Champions League 2015 – 2016: 4-4-2 trở lại và lợi hại hơn xưa

Đúng 50 năm sau khi xuất hiện và chinh phục World Cup 1966, sơ đồ chiến thuật 4-4-2 chẳng những không chìm vào quên lãng mà còn trở lại và phát huy giá trị rực rỡ. Thật không hổ danh một sơ đồ huyền thoại.

Champions League 2015 – 2016: 4-4-2 trở lại và lợi hại hơn xưa

Atletico Madrid lọt vào chung kết Champions League. Leicester City vô địch Premier League. Đấy là những ấn tượng sâu đậm của mùa bóng 2015-2016. Điểm chung hấp dẫn: họ đều chơi 4-4-2.

Sự đơn giản vĩ đại

Trong hàng ngũ các đội đỉnh cao hiện nay (vâng, cái tên Leicester giờ đã có quyền đứng cạnh từ “đỉnh cao”), Atletico và Leicester có lối chơi đơn giản nhất. Đơn giản đến mức họ thậm chí chẳng cần làm cái việc tưởng như bắt buộc khi người ta chơi bóng: có bóng. Atletico đứng thứ 21 trong tổng số 32 đội tham dự vòng bảng Champions League về tỷ lệ giữ bóng (47,5%). Họ vào chung kết, và còn có thể vô địch, chưa biết chừng. Trong khi đó, nhà vô địch Leicester chỉ giữ bóng 44,8% – sẽ rớt hạng nếu người ta xếp hạng Premier League theo tỷ lệ giữ bóng!

Giữ bóng càng ít, càng… ít mất bóng. Một triết lý hẳn hoi? Khi chơi thiên về phòng ngự – phản công, điều làm các cầu thủ Atletico hoặc Leicester thích nhất không phải là bản thân họ có bóng, mà chính là những khoảnh khắc mất bóng của đối phương. Mất bóng một cách bất ngờ càng tốt. Vì đấy chính là cơ hội phản công, là xuất phát điểm rất có thể dẫn đến bàn thắng. Mà trong rất nhiều trường hợp, 1 bàn là đã quá đủ, đối với Leicester hoặc Atletico.


Diego Simeone đã áp dụng thành công sơ đồ 4-4-2 với Atletico Madrid

Đơn giản đến mức khó tin? Ít ra, đấy là hình ảnh bên ngoài. Cũng có thể nói, phải… công phu đến mức độ nào, Leicester và Atletico mới có thể thành công bằng cách chơi đơn giản như vậy. Đấy là việc riêng và là tài năng thực thụ của hai nhà cầm quân Diego Simeone (Atletico) và Claudio Ranieri (Leicester). Dù sao đi nữa, có thể so sánh con đường thành công của Atletico và Leicester với nguyên tắc “vô chiêu thắng hữu chiêu” trong tiểu thuyết võ hiệp. Bạn không có chiêu thức rõ ràng, đối phương làm sao hóa giải?

Công đầu của hai nhà cầm quân

Sơ đồ 4-4-2 có nhược điểm lớn, bất lợi hoàn toàn trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Đó là: khu vực giữa sân trở nên trống trải, tiền vệ có thể bị đối phương đè bẹp vì quân số ít hơn (so với các đội chơi 4-2-3-1 hoặc 4-5-1 chẳng hạn). Vậy nên, các tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 phải luôn tích cực lùi về giữa sân hỗ trợ phòng ngự. Các tiền vệ cánh phải chiến đấu cật lực. Hậu vệ thì phải tỏ ra vững chắc, chống trả tốt suốt 90 phút, trong hoàn cảnh đối phương luôn giữ bóng và tấn công nhiều  hơn.

Một cách nôm na, chơi 4-4-2 là cách chơi “lấy cần cù bù khả năng”. Các đội nổi tiếng sẽ chọn những cách chơi khác, thời thượng và đẹp mắt hơn, dựa vào sự sáng tạo nhiều hơn. Cũng phải thừa nhận thực tế: Leicester hoặc Atletico lấy đâu ra thật nhiều tiền để thoải mái mua sắm ngôi sao. Họ phải chọn con đường đơn giản nhất là vì vậy. Thật ra, cách chơi càng đơn giản (nhưng vẫn đòi hỏi thành công) thì việc của Ranieri và Simeone càng khó. Họ phải làm cho đội bóng trở nên tự hoàn thiện, trong điều kiện hạn hẹp của mình.


Leicester cũng thành công với sơ đồ 4-4-2

Ranieri nói gì để rút cuộc cầu thủ Riyad Mahrez đoạt giải xuất sắc nhất mùa bóng ở Premier League? Ông nói: “Anh chẳng cần thay đổi điều gì”. Nói vậy là đã hàm ý: “Tôi chịu trách nhiệm về mọi phần việc còn lại”. Làm sao để cách chơi đơn giản của Leicester trở nên thật sự nhuần nhuyễn, nhưng vẫn có đột biến khi cần (như chuỗi 4 trận thắng 1-0 liên tiếp trong chặng nước rút tại Premier League)? Làm sao để các cầu thủ không có tên tuổi “choáng ngợp” của Atletico phát huy đến mức tối đa sở trường kỹ thuật? Đấy chính là cái hay theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” của hai nhà cầm quân vậy.

Nửa thế kỷ 4-4-2

Bài học rút  ra từ thành công của Atletico và Leicester có thể không mới, nhưng rất hay, nên phải nhắc lại: sơ đồ nào cũng có thể dẫn đến thành công, kể cả… 4-4-2 “cổ lỗ sĩ”. Suy cho cùng, thành công về chiến thuật trong bóng đá vẫn là thành công của con người, chứ không phải của các sơ đồ chết. Nhưng nói vậy không có nghĩa cứ phải sổ toẹt giá trị chuyên môn của sơ đồ chiến thuật. Một lần nữa, Atletico và Leicester đã chứng mình: 4-4-2 đúng là sơ đồ huyền thoại, có sức sống và giá trị sử dụng mãnh liệt nhất trong mọi sơ đồ từng xuất hiện trong lịch sử phát triển chiến thuật bóng đá.

Đúng 50 năm trước, quê hương bóng đá lên ngôi vô địch World Cup 1966 bằng sơ đồ 4-4-2, hồi ấy mới mẻ và kỳ lạ đến nỗi giới chuyên môn phải gọi là “kỳ quan không tiền đạo cánh”. Vốn đã thi thoảng sử dụng sơ đồ 4-4-2 theo kiểu thử nghiệm hồi còn huấn luyện CLB Ipswich, Ramsey mạnh dạn dùng sơ đồ này đúng vào giai đoạn quyết định và đội tuyển Anh thắng liền 3 trận knock-out trước Argentina, BĐN, Đức để lên ngôi vô địch World Cup 1966. Thế giới sững sờ vì trước đó, chưa thấy đội nào chơi như vậy – chứ khoan nói đến thành công vang dội.

Kể từ đó, sơ đồ 4-4-2 trở nên nổi tiếng, lan dần sang các nền bóng đá khác, và là “kim chỉ nam” cho cả thế giới trong suốt một thời gian dài. Người ta mặc nhiên dùng sơ đồ 4-4-2 khi bầu chọn các đội hình tiêu biểu. Có hẳn một tạp chí bóng đá lấy tên 4-4-2 (Four Four Two). Ám ảnh đến mức cựu danh thủ Anh David Platt, khi đã trở thành HLV và buộc phải nghiên cứ những cách chơi khác nhau trên thế giới, từng thú nhận: “Chúng tôi luôn ra sân với sơ đồ 4-4-2. Chúng tôi không bao giờ quan tâm hoặc suy nghĩ gì về những sơ đồ khác. Cứ như chơi bóng nghĩa là chơi theo sơ đồ 4-4-2. Ít nhất, bóng đá Anh trong suốt thế hệ của tôi là như vậy”.

Liều ăn nhiều

Trước Ramsey, chưa có HLV nào xếp đội hình mà không có tiền đạo cánh, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ đẳng cấp nào. Bản thân Ramsey cũng không nghĩ ông sẽ vô địch World Cup 1966 bằng sơ đồ “kỳ quặc” ấy. Tiền đạo cánh quan trọng đến nỗi Ramsey gọi vào đội tuyển rất nhiều cầu thủ ở vị trí này và luân phiên sử dụng họ trong suốt vòng bảng World Cup, theo sơ đồ 4-3-3.

Một mặt, những cầu thủ đá cánh như John Connelly, Terry Paine, Ian Callaghan… đều không thật sự sắc bén, chỉ được luân phiên ra sân. Mặt khác, trung phong nổi tiếng nhất nước Anh khi ấy là Jimmy Greaves lại bỗng chấn thương. Thế là HLV Ramsey giải quyết cả hai vấn đề bằng một giải pháp táo bạo: chuyển từ 4-3-3 sang 4-4-2. Ông thay ngôi sao Greaves không phải bằng một tiền đạo khác, mà bằng cả cặp Roger Hunt – Geoff Hurst. Ông bỏ cả hai tiền đạo cánh. Có thêm người, ông đưa vào hàng tiền vệ. Vả kể từ đó, bóng đá có thêm cặp tiền vệ cánh ngoài hai tiền vệ phụ trách khu giữa sân. Phần còn lại là cả một lịch sử, như mọi người đã biết.

Ngày xưa, HLV Ramsey phát minh sơ đồ 4-4-2 trước tiên vì chính ông rơi vào khó khăn, không thể tiếp tục dùng các công thức cũ. Bây giờ, Leicester và Atletico lại đào lên sơ đồ 4-4-2 một phần cũng vì họ không đủ điều kiện để chạy theo những cách chơi thời thượng. Vấn đề ở chỗ: liều, nhưng cũng phải có lý. Khi cả thế giới bóng đá cứ mải chơi theo những cách cầu kỳ, rắc rối, bỗng nhiên cách chơi 4-4-2 đơn giản của Atletico và Leicester lại trở nên khó chống đỡ. Họ đã làm cho một huyền thoại 50 năm bỗng trở lại và tỏa sáng.

Theo Thethaovanhoa.vn

 

Let's block ads! (Why?)

Người vô cảm

About Người vô cảm

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :