Đúng là Pep từng giành 2 Champions League trong giai đoạn cực thịnh của Barcelona, nhưng kể từ năm 2011 đến nay, ông đều thất bại ở sân chơi này. Man City liệu có thể kỳ vọng ông thầy người Tây Ban Nha sẽ đưa họ lên đỉnh châu Âu?
Trước khi Pep đến, Bayern đã là nhà vô địch châu Âu dưới thời Jupp Heynckes, thậm chí đó còn là cú ăn ba thần thánh (2012-13). Thế nhưng, ba mùa giải liên tiếp dưới thời Pep, Bayern đều dừng chân ở vòng bán kết Champions League. Thứ bóng đá của Pep dường như chỉ thích hợp với Barca, và không còn khả năng mang đến nét nhiệm màu tại châu Âu nữa. Man City, trong mùa giải cuối cùng của Pellegrini, cũng đang đứng trước cơ hội lọt vào chung kết Champions League. Liệu với Pep, họ có đạt được thành tích như thế?
Với Pep, Bayern chỉ giỏi ở giải quốc nội
Thứ bóng đá phòng ngự phản công với những cầu thủ không biết sợ của Diego Simeone đang lên ngôi. Họ đã đánh bại cả Barcelona lẫn Bayern Munich bằng việc khép chặt mọi khoảng trống và tìm kiếm bàn thắng từ những pha phản công.
Trong ba mùa vừa qua, Bayern Munich của Pep đều bị đánh bại ở bán kết Champions League theo cùng một cách. Họ đều không ghi được bàn ở những trận lượt đi trên sân khách, từ Santiago Bernabeu, Camp Nou cho đến Vicente Calderon, để rồi những đội bóng Tây Ban Nha ấy đã phi những mũi dao vào trái tim người hâm mộ Bayern ngay tại Allianz Arena. Nếu Thomas Mueller thực hiện thành công quả phạt đền đêm qua, áp lực đặt lên vai Bayern sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, Atletico cũng chỉ cần ghi một bàn nữa là có thể đi tiếp.
Pep đã thua Simeone trong cuộc đấu trí vừa rồi
Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng Pep chuẩn bị đưa Bayern giành Bundesliga lần thứ ba liên tiếp, và đó là thành tích không tồi với một HLV lần đầu đặt chân đến đây. Nhưng đó chưa hẳn là thước đo năng lực chuẩn xác bởi ở giải quốc nội, Bayern gần như vô đối. Kể từ khi Bundesliga ra đời năm 1963, họ vô địch phân nửa (25 lần), và chưa bao giờ trải qua 5 mùa liên tiếp trắng tay.
Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Bayern dễ dàng “hút máu” những đối thủ đáng gờm nhất, để khiến họ yếu đi. Dortmund chẳng hạn. Đội bóng này lần lượt phải nhìn Mario Goetze, Robert Lewandowski và có thể sắp tới là Mats Hummels ra đi mà không thể níu kéo. Cách làm ấy chẳng khác gì Mark Zuckerberg bỏ tiền ra mua Instagram và WatsApp vì cho rằng đó là đối thủ đáng gờm của Facebook.
HLV đẳng cấp cần vô địch giải đấu đẳng cấp
Với Leicester, vô địch Premier League là chuyện cổ tích. Với Bayern, Bundesliga là nhiệm vụ bắt buộc. Căn cứ vào tham vọng và tiềm lực của họ, Champions League mới là mục tiêu đáng để theo đuổi nhất. Chính CEO Rummenigge không giấu giếm sự háo hức với Super League, giải đấu quy tụ những Real Madrid, Barcelona, PSG,…
HLV đẳng cấp phải được đánh giá năng lực ở một đấu trường đẳng cấp. Pep đã thua ở bán kết ba mùa liên tiếp, chứ không chỉ sau một hay hai trận đấu, điều đó chứng tỏ rằng ông có vấn đề thực sự trong việc biến những triết lý của mình thành hiệu quả thực sự trên sân bóng.
Man City liệu có thành công với Pep?
Sẽ có rất nhiều người nói về những cách mạng của Bayern dưới thời Guardiola, nhưng vấn đề là ông có để lại di sản gì đằng sau những thứ được coi là phát kiến chiến thuật ấy? Carlo Ancelotti đến và sẽ không áp dụng phong cách của Pep, đó là điều chắc chắn. Ông sẽ lựa chọn con người và chiến thuật tùy theo phong độ, tình hình chứ không phải một ê kíp dựng sẵn mà Pep Guardiola để lại
Bayern đã nghĩ rằng họ đã thuê được một HLV có thể mang đến cho họ một bản sắc đặc biệt, có thể duy trì suốt một thế hệ cũng như gặt hái thành công ở đấu trường châu lục, nhưng họ đã không có được điều đó. Thật sai lầm khi nói rằng Pep đã xây dựng lại Bayern, bởi thật ra, ông gắn bó với đội bóng này chưa đủ lâu.
Liệu Man City có đi vào vết xe của Bayern?
Theo Thethaovanhoa.vn