Ai nói Arsenal nhàm chán? Ai gọi Arsene Wenger là “chú Tư” vì cứ mãi về trong “Top 4” thì hãy suy nghĩ lại. Bởi họ đang duy trì vị thế bị xem là nhàm chán của mình theo một cách không nhàm chán chút nào: ghi bàn trong những phút cuối!
Lẽ ra phải có “Wenger time”
Khi Danny Welbeck ghi bàn trong phút bù giờ, ấn định thắng lợi 2-1 cho Arsenal trước Leicester hồi tháng Hai đầu năm nay, đấy đã là bàn thứ 100 của Arsenal trong khoảng thời gian bù giờ! Trong lịch sử Premier League, không có đội nào ghi bàn trong những phút chót giỏi như Arsenal.
Người ta chỉ biết đến khái niệm “Fergie time”, bởi HLV Sir Alex Ferguson rất hay xem đồng hồ vào cuối trận, và M.U của Sir Alex cũng hay có những pha ghi bàn quan trọng ở phút chót, đặc biệt là trong mùa giải 1998/99 mà họ “ăn ba”. Thế nhưng Arsenal mới là chuyên gia của thời gian bù giờ mà không cần đến khái niệm… “Wenger time”.
Mùa này, khi M.U thường xuyên bị lọt lưới trong những phút chót, chứng kiến “Fergie time” toàn làm lợi cho đội bạn, thì Arsenal vẫn duy trì phong độ ghi bàn ổn định trong những phút bù giờ. Trận thắng 1-0 trước West Brom đêm thứ Hai vừa qua là một ví dụ. Khi người ta (một lần nữa) chuẩn bị gạt tên Arsenal ra khỏi cuộc đua vô địch thì bàn thắng bất ngờ xuất hiện ở phút thứ 86, từ cú đánh đầu của Olivier Giroud.
Riêng trong mùa bóng này, Giroud giải cứu Arsenal là chuyện không mới. Khi không tìm được đường vào khung thành đối phương với những pha đan dệt sở trường, Arsenal thường đưa bóng lên tầm cao để hướng đến cái đầu của tiền đạo người Pháp. Có khác chăng là trước West Brom, vì áp lực buộc phải xoay vòng cho phù hợp với lịch thi đấu dày đặc, Wenger mới dùng Giroud từ đầu.
5 bàn và 13 điểm
Thế nhưng cũng như trong trận đấu với Man United trước đó, “của để dành” Giroud chỉ phát huy tác dụng vào những giây phút mà có lẽ CĐV Arsenal đã thôi hy vọng.
Trong trận tiếp West Brom, cú tạt bóng của Mesut Oezil rất chuẩn, nhưng pha đè người rồi đánh đầu của anh cũng hoàn hảo. Rõ ràng, Wenger đã dồn không ít tâm huyết cho bài tạt cánh, sau khi đã nhử cho đối phương mệt lả với những pha đan bóng. Nhìn từ góc độ này, có thể nói Wenger đã biết rút ra bài học từ những mùa giải thất bại trước đó, để tìm cho mình “phương án B” (dù có lúc cả “phương án B” cũng không phát huy tác dụng nốt như trong hai trận thua trước Everton và Man City).
Trước Man United, Giroud cũng ghi bàn rất muộn, để giúp Arsenal giành lại một điểm rất quan trọng trước đối thủ trực tiếp. Đấy cũng là một cú đánh đầu. Hay trước Burnley hồi đầu mùa, cũng từ một pha tạt cánh, Laurent Koscielny đã bất ngờ ghi bàn duy nhất của trận đấu vào phút 90+2. Trận đấu với Southampton, bàn ấn định tỷ số 1-1 của Santi Cazorla từ chấm phạt đền được ghi ở phút 90+3.
Tức là đã có đến 5 lần, Arsenal ghi bàn trong khoảng thời gian 5 phút cuối trận và những phút bù giờ. Không ai ghi nhiều bàn hơn họ trong khoảng thời gian này. 5 bàn ấy trực tiếp mang lại cho họ 13 điểm, một hiệu quả khiến bất kỳ đội bóng nào cũng phải ghen tỵ. Nhưng liệu các fan Arsenal có sung sướng không khi giành điểm trong những tình huống ngặt nghèo như vậy? Và liệu đấy là biểu hiện của sức mạnh tinh thần như Giroud nói hay là nỗ lực vùng vẫy của một tập thể đang yếu thế trong cuộc đua khốc liệt?
Theo bongdaplus