Ngày ấy, Nottingham Forest hãy còn là một đội bóng lừng lẫy danh tiếng. Peter Shilton (nay là ông lão gần 70 tuổi) còn đang tỏa sáng. Viv Anderson – cầu thủ da màu đầu tiên trong lịch sử ĐT Anh – vẫn đang khoác áo M.U. Ngôi sao Ireland, Tony Cascarino thì vừa chuyển nhượng cách đó không lâu với giá… 11 bộ đồ cầu thủ…
David de Gea, Memphis Depay, Timothy Fosu-Mensah, Marcus Rashford, Anthony Martial, Jesse Lingard, Luke Shaw, Phil Jones, Eric Bailly, Paul Pogba… đều chưa ra đời.
Ngày ấy, đa số các nền bóng đá châu Âu còn chưa biết đến thang điểm 3 cho một trận thắng; việc lấy kết quả đối đầu trực tiếp để xếp hạng các đội đồng điểm bị cho là điên rồ; bóng đá chưa có luật cấm thủ môn dùng tay bắt bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về. Trên đời chưa có Champions League. Thiên tài Diego Maradona thì chẳng bao giờ có tên trong cuộc bình chọn “Quả bóng vàng châu Âu”, đơn giản vì giải này hồi ấy chỉ được trao cho cầu thủ châu Âu. Chúng ta đang nói về thời đại nào ấy nhỉ?
Xin thưa: đấy là mùa bóng 1990/91, khi Premier League còn chưa xuất hiện và đấy là lần gần nhất M.U không vượt quá điểm số 20 sau 13 vòng – tức cột mốc 1/3 của giải VĐQG. Hồi ấy, chẳng ai xem đội chủ sân Old Trafford là một “ông kẹ”. Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi M.U hiểu được cảm giác vô địch quốc gia.
HLV Alex Ferguson suýt bị sa thải trong mùa bóng trước đó, vì đối diện… nguy cơ rớt hạng (may mà cuối cùng M.U vươn được lên vị trí số 13). Dù sao đi nữa, M.U không lấy được nhiều hơn 20 điểm sau 13 trận đầu tiên của mùa bóng 1990/91 chẳng qua vì họ bị trừ 1 điểm sau một cuộc hỗn chiến trên sân với Arsenal.
Nghĩa là trong mùa bóng ấy, M.U vẫn khá hơn mùa này – khi báo chí Anh nhìn lại lịch sử và cho rằng đội bóng của HLV Jose Mourinho đang có khởi đầu tồi tệ nhất trong 26 năm! Lần gần nhất M.U không thể thắng tại sân nhà trong 4 trận liên tiếp ở giải VĐQG thì còn lâu hơn.
Phải lần ngược dòng trôi của lịch sử, đến năm 1980, người ta mới ghi nhận được điều này. Cay đắng ở chỗ, cũng giống như “cú khởi đầu kém nhất” vừa nêu, chuyện không thể thắng tại sân nhà bây giờ còn tồi tệ hơn rất nhiều so với thời điểm 1980. Vì sao?
Trò chơi bóng đá là của người Anh, nên hầu hết những ý tưởng lớn mang tính thay đổi cuộc chơi đều do người Anh nghĩ ra, và đều được cả thế giới học hỏi vì tính hợp lý của nó. Các “giáo sư bóng đá” thấy rằng thắng được 1 trận khó hơn là hòa 2 trận, chưa kể cần phải khuyến khích các đội ra sân để thắng thay vì chơi bóng chỉ để cầu hòa.
Vậy nên, họ thay đổi cách tính điểm. Vào năm 1980, một trận thắng tại giải vô địch Anh chỉ được 2 điểm, hòa được 1 điểm. Từ năm 1981 đã khác: trận thắng được tính 3 điểm và có giá trị bằng 3 trận hòa như bây giờ.
Cơ hội tung cú dứt điểm của M.U dù có lên đến con số hàng trăm đi nữa, cũng sẽ vô nghĩa nếu không trở thành bàn thắng. Giống như hàng trăm chiếc HCB hoặc HCĐ đều phải xếp dưới 1 HCV ở Olympic, hàng trăm cú tung đòn có điểm vẫn không sánh bằng một cú knock-out trên võ đài quyền Anh.
Thể thao đỉnh cao chính là như vậy. Bóng đá đỉnh cao càng phải như vậy. Mourinho có thể “xui xẻo” trong vài trận đấu cụ thể. Nhưng cái nhìn tổng quát cho thấy, M.U của ông bây giờ lạc hậu đến vài chục năm về mặt suy nghĩ, tinh thần, chứ không chỉ là tụt hậu trong vấn đề chuyên môn nữa…
Theo bongdaplus