Có một điều khiến Mesut Oezil trở thành cầu thủ đáng xem nhất, không chỉ ở Arsenal mà ở cả Premier League hiện nay. Đấy có lẽ là cầu thủ duy nhất “được phép” thỏa chí bay bổng, sáng tạo trên sân cỏ Anh.
Chỉ có Oezil được quyền bay bổng
Bây giờ mà lại giới thiệu Oezil xuất sắc ở những chỗ nào, có lẽ là quá thừa thãi. Vả lại, dù có tô vẽ đến đâu đi nữa, ngôi sao tấn công của Arsenal cũng khó đạt đến một sự thừa nhận tuyệt đối rằng anh là cầu thủ xuất sắc nhất Premier League. Tùy cảm nhận riêng, cũng tùy vào sự hâm mộ riêng, mỗi người tự xếp Oezil vào một vị trí nào đấy trong danh sách các ngôi sao hay nhất ở Premier League, mà chẳng cần băn khoăn rằng đúng hay sai. Vấn đề ở đây: vì sao nói Oezil gần như là cầu thủ duy nhất có lối chơi sáng tạo trên sân cỏ Anh hiện nay?
Tuy thường xuất phát ở vị trí “số 10” trong đội hình Arsenal, nhưng Oezil di chuyển rất tự do. Anh tự do quyết định cả vị trí lẫn cách chơi, vai trò của mình. Điều đáng nói nhất: những gì vừa nêu không chỉ hướng đến cái lợi chung cho Arsenal. Oezil còn được phép quyết định phải làm sao để có thành công tốt nhất cho… chính mình. Người ta đã so sánh Oezil với Dennis Bergkamp ngày xưa. Giống nhau chỗ nào? Bergkamp tuy là tiền đạo nhưng lại cảm thấy khó khăn khi phải loay hoay trong vùng cấm địa, trong cặp tiền đạo kiểu cũ của sơ đồ 4-4-2 cổ điển. Anh tự lùi ra xa khi cần, thậm chí tự quyết định cho mình một con đường riêng, mang tính cá nhân nhiều hơn đồng đội: nên đá đẹp hay nên thiên về hiệu quả?
Cách đây 2 năm, Cesc Fabregas đã được xem là cầu thủ sáng tạo nhất Premier League. Bây giờ anh bị xếp xó ở Chelsea. Kevin De Bruyne và David Silva đương nhiên không phải xoàng. Họ còn tỏ ra xuất sắc là đằng khác. Nhưng đấy không phải là sự xuất sắc của các tiền vệ sáng tạo. Eden Hazard cũng vậy. Tuy Hazard bay bổng trên hàng công Chelsea, còn De Bruyne và Silva làm chủ khu vực giữa sân của Manchester City, nhưng họ giống nhau ở chỗ đều bị chi phối nặng nề bởi chiến thuật của các nhà cầm quân Antonio Conte, Pep Guardiola. Nhờ Conte chuyển sang sơ đồ 3-4-3 mà Hazard mới được giải tỏa nhiệm vụ phòng ngự, mặc sức tấn công, và tỏa sáng. Đấy không phải là sự tự do sáng tạo trong cách chơi của chính mình, như Oezil ở Arsenal.
Đâu là ngôi sao số 1 ở các đội mạnh?
Nếu thành công, Oezil (chứ không phải Alexis Sanchez) sẽ là câu trả lời, ở Arsenal. Thế còn Chelsea, Liverpool, Tottenham, M.U, Man City? Buồn thay, câu trả lời là ngôi sao số 1 ở các đội ấy đều không hiện diện trên sân.
Mọi người đều biết, đặc điểm lớn nhất của Premier League mùa này là sự quy tụ cùng lúc các HLV danh giá nhất thế giới. Conte, Juergen Klopp, Mauricio Pochettino, Jose Mourinho, Pep! Một mặt, họ đều… hãnh tiến như nhau. Nói đến Pep hoặc Klopp là cứ phải nói về những điều cao vợi, như triết lý chẳng hạn. Riết rồi trở thành một sự mặc nhiên: chính họ – chứ không phải bất cứ cầu thủ nào – là ngôi sao số 1 ở đội mình. Các ngôi sao thực sự trên sân cỏ có được phép tỏa sáng hay không, trước tiên phải do những nhà cầm quân danh giá này quyết định, tất nhiên là thông qua vấn đề đấu pháp.
Wenger luôn để Oezil bay bổng
Mặt khác, chính vì mỗi HLV danh giá đều có quá nhiều đối thủ cạnh tranh sừng sỏ nên bản thân họ trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Họ không thể giao phó vấn đề thành bại, hoặc cả tương lai của mình, cho các ngôi sao trên sân. Đấy là nguyên nhân vì sao không có cầu thủ nào được phép tự do sáng tạo, bay bổng trong các đội mạnh vừa nêu. Kỷ luật chiến thuật của nhà cầm quân dứt khoát cứ phải là ưu tiên 1. Thậm chí, bản thân các HLV “ngôi sao” còn không dám mạo hiểm, sáng tạo, thì còn chút hy vọng gì cho các cầu thủ trên sân? Chưa ai quên sự thận trọng đến mức điên rồ của Mourinho, về việc bó quách “cây đại thụ” Wayne Rooney trong đội hình M.U. Vì Mourinho thận trọng như thế nên đến giờ này M.U vẫn chưa có cơ hội nào để cầu thủ Henrikh Mkhitaryan phát huy giá trị sáng tạo của mình.
Oezil khác hẳn các ngôi sao khác trước tiên là vì Arsene Wenger khác hẳn các HLV vừa nêu. Ông chẳng còn gì để chứng minh, sau khi đã vượt qua cột mốc 20 năm gắn bó với Arsenal. Ông chẳng còn gì để phải lo lắng, sau hơn chục năm chưa hề đăng quang ở Premier League mà ghế HLV trưởng vẫn không lung lay. Trên hết, Wenger có lẽ là HLV “kiểu cũ” duy nhất trong bóng đá đỉnh cao bây giờ. Kể cả khi thành công vang dội, Wenger vẫn chưa bao giờ xem mình quan trọng hơn các cầu thủ. Với ông, cầu thủ mới là chủ nhân đích thực, là các nghệ sĩ trên sân khấu bóng đá. Việc của ông trước sau vẫn chỉ là giúp các nghệ sĩ ấy tỏa sáng đến mức tối đa có thể.
Premier League đang chịu một nguy cơ lớn
Thời này, người ta sẵn sàng ca ngợi Premier League đến tận mây xanh mà không nhất thiết cứ phải… xem các trận đấu. Nào là sự quy tụ các HLV danh giá, như đã nêu. Nào là mùa chuyển nhượng xô ngã cột mốc 1 tỷ bảng. Thì cũng chẳng sai. Nhưng hãy lưu ý một điều: khi mà hào quang ở hầu hết các đội mạnh đều thuộc về nhà cầm quân, thì nguy cơ về sự thui chột của tính hấp dẫn thật sự trên sân cỏ là rất rõ ràng.
Đâu là “mốt” phổ biến nhất ở Premier League hiện nay? Thiên hạ tâng bốc xu hướng chơi pressing đến mức cứ ngỡ rằng đấy là một nghệ thuật. Catenaccio – cách chơi phòng ngự “đổ bê tông” của bóng đá Italia ngày xưa còn có thể là nghệ thuật. Pressing thì không. Bởi pressing là cách chơi thuần túy dựa vào những toan tính khoa học. Quan trọng hơn, pressing trước tiên là cách để… phá lối chơi của nhau. Khi mà mọi pha tấn công đều bị bẻ gãy ngay từ đường chuyền đầu tiên, khi việc giữ bóng lập tức chấm dứt chỉ sau một nhịp, thì đấy chính là thành công rực rỡ của pressing. Vấn đề đặt ra: pressing, rồi sao nữa? Tottenham phá hỏng hoàn toàn cỗ máy Man City của Pep, để rồi từ đó đến nay chưa ai thấy Tottenham thắng đội nào nữa.
Phá dễ hơn xây. Chơi pressing dễ hơn sáng tạo rất nhiều. Rồi đây, các nhà cầm quân danh tiếng ở Premier League chỉ chăm bẵm làm việc dễ, ra sân trước tiên là để phá nhau, không để cho nhau thi thố tài năng? Quả có một nguy cơ như vậy. Premier League may mà còn có một Oezil luôn mặc sức sáng tạo, chơi bóng trước tiên tùy vào suy nghĩ của mình hơn là phải tuyệt đối tuân thủ chiến thuật của HLV.
Tất nhiên, chơi bóng tự do, sáng tạo, mà lại thành công, cũng không phải dễ. Hàng công mạnh mẽ của Liverpool đã bị M.U phong tỏa hoàn toàn một khi Mourinho cầm quân chỉ cốt chia điểm trên sân Anfield. Và trận “derby nước Anh” lập tức trôi tuột vào quên lãng. Đã bảo, phá luôn dễ hơn xây mà…
Theo Thethaovanhoa.vn