Nếu khai thác thành công điểm yếu ở hành lang phải và cô lập Ye Ko Oo của Myanmar, cơ hội chiến thắng ở trận ra quân AFF Suzuki Cup của đội tuyển Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.
Lỗ hổng ở hành lang phải
Sau 15 trận đấu rèn quân từ đá tập, giao hữu đến thi đấu quốc tế, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ bước vào hành trình AFF Suzuki Cup 2016 với trận đấu đầu tiên gặp Myanmar – đội chủ nhà của bảng B.
Hai ngày trước khi trận đấu này diễn ra, nhà cầm quân xứ Nghệ đã họp toàn đội để mổ băng kỹ lưỡng hai cữ dượt của Myanmar. Đầu tiên là trận hoà 0-0 trước Indonesia và kế đến là thất bại 0-3 trước Oman, một đối thủ mạnh đến từ Tây Á.
Những con số, đồ thị báo cáo về Myanmar từ số liệu của InStat đã chỉ ra một nhược điểm rất lớn trong cách phòng ngự của Myanmar. Đó là khả năng che chắn bên hành lang phải – tức cánh trái theo hướng tấn công của đội tuyển Việt Nam.
Myanmar để mất bóng nhiều ở cánh phải. Trong đó David Htan và Zaw Min Tun là 2 cầu thủ để mất bóng nhiều nhất
Có thể thấy số lần mất bóng ở cánh phải của Myanmar là lớn hơn nhiều so với các khu vực khác
Nhìn vào biểu đồ số lần mất bóng của Myanmar trong trận hoà 0-0 trước Indonesia thì có thể thấy cả hai hiệp, đội bóng này thường xuyên để đối phương cướp được bóng ở khu vực cánh phải. Trong đó, David Htan – hậu vệ phải và Zaw Min Tun – trung vệ lệch phải để mất bóng nhiều nhất ở phần sân nhà (cả hai đều cùng 4 lần). Như một hệ quả ở trận sau đó, trước một Oman phản công nhanh bằng những đường chuyền trung bình tốc độ cao, Myanmar đã để thua 2/3 bàn ở hành lang ấy.
Việc tổ chức sơ đồ 4-2-3-1, trong đó hai hậu vệ biên là David Htan (phải) cùng Phyo Ko Ko Thein dâng cao nhằm tạo thêm sự hỗ trợ chồng cánh về lý thuyết là ổn cho tấn công. Nhưng ngược lại thực tế khi bị phản công, cả hai cầu thủ này lại không đủ tốc độ và sức bền để kịp lui về bọc lót cho 2 trung vệ. Cũng cần nhấn mạnh, giống như David Htan, Ko Ko Thein cũng có tỷ lệ mất bóng rất cao ở phần sân nhà.
Việc chơi với 2 hậu vệ dâng cao trở thành con dao hai lưỡi với Myanmar
Hai cánh phòng ngự không tốt, đặc biệt là cánh phải sẽ là cơ hội để ĐT Việt Nam khoét sâu vào đó. Dù cần phải nhấn mạnh, tấn công trung lộ mới tạo nên tỷ lệ ghi bàn cao (14 bàn) so với hai cánh (10 bàn/cánh) nhưng có thể nhận thấy các học trò của HLV Hữu Thắng thường xuyên lấy biên là vũ khí tấn công sở trường, nhờ những cầu thủ có tốc độ như Văn Thanh, Văn Toàn, Thành Lương hay Thanh Trung.
Những tình huống chồng biên của Việt Nam là khắc tinh với hàng thủ Myanmar
Ye Ko Oo không phải là thành viên góp mặt trong đội hình dự U20 World Cup của Myanmar một năm về trước. Nhưng ở thời điểm hiện tại, anh là quân bài không thể thay thế của HLV Gerd Zeise.
Cầu thủ này trở thành cầu nối giữa hai biên và phía trên tiền tuyến. Đặc biệt, anh thường có những tình huống phối hợp với David Htan bên hành lang phải. So với đồng đội Yan Aung Kyaw thì tầm hoạt động và vai trò của Ye Ko Oo là lớn hơn nhiều. Anh hoạt động gần như kín cả mặt sân.
Ye Ko Oo (số 7) trở thành nhạc trưởng tuyến giữa của Myanmar – Đồ hoạ: InStat
Thống kê từ InStat, Ye Ko Oo đang là cầu thủ được thi đấu nhiều nhất trong đội hình Myanmar dưới thời nhà cầm quân người Đức. Song song với đó, anh cũng đạt tỷ lệ chuyền bóng trung bình/trận lên tới 78% với số lần tạo cơ hội tới 3,7 lần/trận đấu. Bên cạnh đó, tiền vệ sinh năm 1994 này cũng có thể tranh chấp nửa sân đối phương tốt, qua đó giúp Myanmar tạo ra những tình huống phản công nhanh ở trung lộ.
Chính tầm quan trọng này của Ye Ko Oo lại vô hình trung khiến Myanmar có thêm một tử huyệt. Bởi chỉ cần phong tỏa cầu thủ này thì lối chơi của đội bóng có biệt danh “White Angels” sẽ mất đi hiệu quả trông thấy.
Theo bongdaplus